Các chính sách đối nội Mehmed_II

Chính sách hành chính

Mehmed II sở dĩ có thể liên tục chiến thắng trên chiến trường, một phần là vì các đối thủ của ông là những thế lực phong kiến cát cứ hoặc các vương triều già nua đang suy sụp, nhưng cũng là nhờ ông có những biện pháp cai trị đất nước và quản lý quân đội rất hữu hiệu. Trong mọi sự vụ, ông luôn cực lực bài trừ thái độ lề mề chậm chạp, thiếu khí thế của các quan chức và luôn chú ý đến hiệu quả thực tế của công việc.[4] Ông đã hợp nhất chính sách trị dân cũ của hoàng đế Đông La Mã với chính sách trị dân của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ. Mehmed còn viết một cuốn sách tổng hợp các học thuyết chính trị ở Đông La Mã và trong sách này, thuật ngữ 'chính trị' được dịch sang tiếng Ả Rập như "siyasah".

Triều đình Ottoman thời Mehmed II.

Là người thừa kế của Đế quốc Byzantine, Mehmed buộc phải sửa đổi một chút hệ thống chính phủ mà ông đã kế thừa và kết hợp một số tổ chức hành chính và văn hóa nước ngoài. Tất cả những điều này đã được ông ghi chép tỉ mỉ trong quyển: Sách Pháp luật.[5]

Ngay trong năm đầu tiên cai trị, Mehmed II đã bắt tay vào cải tổ các cơ quan của triều đình, đặc biệt là ngân khố của quốc gia. Ông ra lệnh cho các quan viên thu thuế phải kiểm tra kỹ lưỡng sổ sách, rồi lại phái người đến kiểm tra các sổ sách này thêm một lần nữa. Bất cứ quan viên nào để sổ sách không rõ ràng đều bị cách chức chờ xét xử. Các cơ quan triều đình và địa phương cũng được cải tổ sâu rộng. Mehmet quy định ba cơ quan: Phủ Thái tể, Văn phòng Tài vụ Đại thần và Văn phòng Chánh án Tối cao đều có quyền lấy danh nghĩa hoàng đế để ra các mệnh lệnh về hành chính, tài chính và tôn giáo. Tất cả những điều lệ về triều phục, địa vị, đãi ngộ,… của các quan viên đều được quy định chặt chẽ và ghi chép trong sách Nghi lễ.[4]

Lúc này, triều đình Ottoman chia các quan chức ra làm hai loại: Nhân viên Nội đình bao gồm các sở Nội, Đốc sát, Tài chính, Đại sảnh, Tiểu sảnh chuyên lo việc sinh hoạt của hoàng đế và sinh hoạt trong cung, đảm nhiệm bởi các thái giám mặc áo dài trắng; nhân viên Ngoại đình gồm cố vấn của hoàng đế, thị vệ và các nhân viên triều đình chuyên lo việc sự vụ đất nước. Ở Trung ương gọi là hội nghị Quốc vụ, thành viên gồm cả tể tướng, chánh án Tối cao, tài chính Đại thần và thư ký Quốc vụ. Cơ quan này sẽ họp bàn với vua trong vòng mấy tiếng đồng hồ vào mỗi thứ bảy, chủ nhật, thứ haithứ ba hàng tuần. Còn ở sự vụ ở địa phương, bao gồm cả việc trưng binh trong thời chiến sẽ do những viên tổng trấn đảm nhiệm.[4]

Fatih Sultan Mehmed II và Ali Kuşçu.

Quốc vương Mehmed cho phép các Kitô hữu Byzantine ở lại Constantinople và tự do thực hành đức tin của họ. Ông đã cố gắng để tạo nên một liên kết văn hóa với các quốc gia châu Âu, ông cho mời các nghệ sĩ và học giả về kinh thành mới (Constantinople) để sáng tác dưới sự bảo trợ của ông. Ông đã cải thiện lại các con đường và kênh rạch ở thủ đô mới bị chinh phục của mình và ông cũng đã xây dựng lại nhiều công trình quan trọng, bao gồm cả Cung điện Topkapi nổi tiếng, nơi là nhà của các vị Sultan kế tiếp trong suốt lịch sử Ottoman.[5]

Xây dựng

Trong triều đại của mình, quốc vương Mehmed II đã cho xây dựng rất nhiều công trình, nổi bật nhất trong số này là cung điện của ông và nhiều Nhà thờ Hồi giáo vĩ đại, với các bệnh viện, trường cao đẳng và nhà tắm công cộng. Nhiều thành phố của Đế quốc dưới thời ông dã trở thành một trung tâm về chính trị, văn hóa và tâm linh của thế giới. Ông còn cho tái định cư cho nhiều công dân của vương quốc, khuyến khích người dân đến tân đô Istanbul để làm ăn, sinh sống.[5]

Chính sách quân sự

Về quân sự, Mehmed II cũng tiến hành nhiều cải cách. Dưới triều của ông, quân đội Ottoman mới được chia làm bộ binh (Akincis), kỵ binh và hải quân.[4]

Bộ binh là nòng cốt của quân đội Ottoman. Trong chiến đấu, bộ binh cùng gươmcung tên tác chiến cùng với kỵ binh, hoặc tập hợp thành các đội pháo binh để công phá thành lũy. Kỵ binh rất được Mehmed quan tâm, vì thời bấy giờ tác chiến chủ yếu dựa vào kỵ binh. Số kỵ binh do các lãnh chúa phong kiến cung cấp cho quân đội. Ngoài ra, Mehmed cũng tổ chức một đội kỵ binh thường trực, tuyển mộ từ Cấm vệ quân hoặc những người hầu.[4]

Hải quân Ottoman mãi tới thời sultan Mehmed II mới được xem là một lực lượng chính quy, và nó bắt đầu phát triển mạnh mẽ cũng vào thời của ông. Mehmed đã bắt đầu cho xây dựng một số xưởng đóng thuyền chiến trên các cảnh ven bờ biển để gia tăng số lượng hải thuyền của đế quốc. Nguyên nhân của việc này là nhằm hoàn thành việc vây hãm, cô lập Constantinopolis và khống chế hải lộ trên biển Đenbiển Aegean. Kết quả, trong một thời gian ngắn Ottoman đã có một lực lượng hải quân to lớn gồm ba bốn trăm chiếc thuyền, đủ sức đương đầu với các hạm đội Tây Ban Nha, Phápcộng hòa Venezia đương thời. Trong trận Constantinopolis, hải quân Ottoman đã đóng một vai trò rất quan trọng.[4]

Pháp luật và quan hệ phong kiến dưới thời Mehmed II

Mehmed II đã ban bố bộ luật đầu tiên của đế quốc Ottoman. Bộ luật này đã xác định nghĩa vụ của người nông dân đối với lãnh chúa phong kiến, đồng thời xác định chế độ phân phối ruộng đất phong kiến của đế quốc.[4]

  • Thân phận người nông dân: theo bộ luật, người nông dân phải đóng đủ thứ tô thuế nặng nề cho lãnh chúa, đồng thời còn phải đi phu tải lương cho chúa phong kiến và làm việc bảy ngày không công trên đất của chúa phong kiến hàng năm. Nếu người nông dân để ruộng đất bỏ hoang trong một năm thì chúa phong kiến có quyền tịch thu nhà cửa ruộng đất của họ, đồng thời đánh thuế nặng trên phần đất này để bù vào tổn thất của mình. Tất cả những điều này có mục đích là buộc chặt người nông dân với ruộng đất.[4]
  • Phân chia ruộng đất: ruộng đất được chia làm ba loại: của Giáo hội, của quốc gia và của tư nhân. Trong đó ruộng đất của quốc gia là lớn nhất. Ruộng của quốc gia lại được chia làm ba loại nhỏ. Loại thứ nhất là ruộng của hoàng gia và các đại thần, mỗi năm thu nhập vào khoảng 10 vạn akche (đơn vị tiền tệ Ottoman, thời đó 1 akche mua được 7 kg bột mì). Số ruộng hai loại kia được cấp phát cho các địa chủ bậc trung (thu nhập hằng năm từ 2 vạn - 10 vạn akche) và bậc nhỏ (thu nhập hằng năm 2000 - 1 vạn akche), tính tổng cộng có chừng 1 vạn địa chủ loại này. Các lãnh chúa phong kiến có nghĩa vụ phải nộp thuế và cống phẩm cho vua, trưng tập kỵ binh (trong thời chiến) và phải vâng theo mệnh lệnh của vua. Số lãnh chúa này tạo nên nền tảng thống trị của đế quốc.[4]

Chính sách tôn giáo

Giáo trưởng Gennadios Scholarios và Mehmed II.

Có một điều đáng chú ý là thái độ của Mehmed II đối với tôn giáo rất là khoan dung và rộng rãi so với nhiều bậc đế vương cùng thời. Ông đã chấp nhận Chính thống giáo Đông phương, cho phép cho các giáo trưởng Thiên Chúa giáo truyền đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông đối xử rất khoan hồng với giáo dân và giáo hội Thiên Chúa giáo tại Constantinopolis và trên toàn đế quốc. Mehmed II cho phép cộng đồng Thiên Chúa giáo được tự trị ở Constantinopolis, và ông bổ nhiệm một cựu giáo trưởng Constantinopolis có quan điểm bất đồng với hoàng đế Constantinus XI làm tổng Giám mục của thành phố. Sau khi quân Ottoman chiếm Constantinopolis, tất nhiên là nhiều thánh đường Thiên Chúa giáo bị phá bỏ hoặc đổi thành thánh đường Hồi giáo (ví dụ đại thánh đường St. Sophia nổi tiếng ở Constantinopolis đã bị đổi thành thánh đường Hồi giáo Hagia Sophia), nhưng phần lớn những thánh đường Thiên Chúa giáo khác vẫn tồn tại. Dưới sự lãnh đạo của tổng Giám mục, họ có quyền tự trị về mặt tôn giáo, văn hóa và có một hệ thống pháp luật riêng (tất nhiên là họ vẫn phải tuân theo một số luật chung của đế quốc Ottoman). Thậm chí họ còn khỏi phải đi binh dịch và được phép mở trường học riêng để dạy bằng ngôn ngữ dân tộc.[4] Tuy nhiên ông chỉ cho phép các tín đồ Chính thống giáo Đông phương được sống ở Constantinopolis, trục xuất di dân đến từ GenovaVenezia cũng như các tín đồ Hồi giáo và Do Thái giáo ra khỏi thành phố này.

Về sau, Mehmed cũng cho phép giáo hội Thiên Chúa giáo của người Armenia, giáo hội Do Thái giáo của người Do Tháigiáo hội Hy Lạp cũng được hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật của đế quốc Ottoman. Tất cả các giáo hội này được gọi là millet, (tạm dịch là tập đoàn hoặc dân tộc có tín ngưỡng đặc thù trong đế quốc Ottoman) mỗi millet do một lãnh tụ đứng đầu, có trách nhiệm trưng thu thuế cho hoàng đế Ottoman và đảm bảo các giáo dân biết giữ pháp luật và trung thành với triều đình Osman. Các millet ngoài việc chịu chung nghĩa vụ binh dịch, thuế má, tất cả phần còn lại đều được Mehmed cho phép tự trị. Những giáo dân trong millet khi phạm tội cũng chỉ bị xét xử trong các tòa án riêng của millet và chỉ chịu phạt theo luật riêng của millet, trừ những tội có dính đến trị an và hình sự thì phải bị trừng trị theo luật chung của đế quốc. Chính miệng ông đã nói với lãnh thụ người Serbia rằng:

Bên cạnh một nhà thờ Hồi giáo, đều phải xây dựng một nhà thờ Thiên Chúa giáo, dân chúng của ông có thể cầu nguyện trong nhà thờ.

— Mehmed II, [4]

Mehmed cũng đã tuyển mộ đội tân binh đến từ Devshirme. Trong đội quân này có nhiều giáo dân Thiên Chúa giáo trẻ tuổi. Đội quân này được chia làm 2 nhóm: các lính tráng có đủ tư cách nhất sẽ được phục vụ nhà vua trong cung điện; những người kém tài hơn nhưng có thể lực tốt thì sẽ được gia nhập toán Cấm vệ quân janissary của vua.

Văn hóa - Giáo dục

Tranh vẽ Mehmed II, trong Tập ảnh Sarayi

Ngay từ thời niên thiếu, Mehmed II đã bộc lộ một sự yêu thích đặc biệt về văn học và nghệ thuật. Sau này khi lên làm vua, ông mời nhiều danh họa Ý, người theo chủ nghĩa nhân văn và nhà triết học Hy Lạp đến cung điện, nói đúng hơn là chung quanh Mehmed thường tụ tập rất nhiều văn nhân học giả, cùng nhau bàn chuyện quốc sự hay làm thơ, vẽ tranh.

Tughra của Thổ Hoàng Mehmed II.

Mehmed II cũng đã sáng tác một tập thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết và miêu tả những khung cảnh hoành tráng trên chiến trường. Đặc biệt, Mehmed đã phá vỡ thông lệ "không sùng bái hình nộm" của đạo Hồi, mà mời nhiều danh họa nổi tiếng ở Ý về vẽ chân dung cho ông.[4] Một trong số họ chính là họa sĩ Gentile Bellini người Venezia, đã vẽ một bức chân dung nổi tiếng của Mehmet II.[9] ông đã ra lệnh sưu tập nhiều bức danh họa nổi tiếng của đế quốc Đông La Mã cũng như những bức họa nổi tiếng khác trên thế giới. Đáng chú ý, trong số những bức họa được triều đình Ottoman cất giữ từ thời Mehmet II trở đi, có nhiều bức họa đời nhà Minh của Trung Quốc đương thờ.[4]

Giáo dục cũng là một mặt được Mehmed II quan tâm. Ông đã đầu tư xây dựng nhiều thư viện, trường học… tại kinh đô mới Constantinopolis. Chỉ riêng tại thánh đường Hồi giáo The Conqueror, Mehmed đã cho dựng lên bốn trường cao đẳng kinh văn xung quanh. Đồng thời ông cũng cho xây một trường học nội cung mới tại địa điểm của cung vua cũ ở Constantinopolis, nhằm đào tạo những quan viên được huấn luyện bài bản về mặt hành chính, bù đắp vào nhu cầu ngày càng tăng về các quan chức hành chính do cương thổ đế quốc càng lúc càng mở rộng. Học sinh chủ yếu là các tù binh 10-15 tuổi hoặc các thanh thiếu niên ở các giáo khu Thiên Chúa giáo. Chương trình học kéo dài 10-12 năm, bao gồm các môn như ngữ văn, văn học, nhạc, pháp luật, thần học, quân sự, toán, triết học, quản lý họcquản lý hành chính, thuế vụ, tài chính… Những học sinh nào không qua được các kỳ kiểm tra sẽ bị đuổi học ngay. Bản thân Mehmed cũng thường đến thăm hỏi tiến độ học tập của các học sinh trong trường.[4]

Để nâng cao chất lượng giáo dục, Mehmed II không ngại tốn kém, cho vời nhiều học giả nổi tiếng trong giới Hồi giáo cũng như tại châu Âu thời đó về giảng dạy tại các ngôi trường của Ottoman. Có dạo, khi ông vời được một nhà thiên văn nổi tiếng người Trung Á về thủ đô Constantinopolis, ngay lập tức tại ngoại ô Constantinopolis liền tiến hành xây dựng một ngôi trường lớn về toán học và một đài thiên văn bên cạnh.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mehmed_II http://www.abcgallery.com/list/2001july16.html http://books.google.com/books?id=C45pAAAAMAAJ http://books.google.com/books?id=aRpCAAAAIAAJ http://books.google.com/books?id=glwMAAAAYAAJ http://books.google.com/books?id=ujUpAAAAYAAJ http://books.google.com/books?id=wWsqAAAAYAAJ http://books.google.com/books?id=wWsqAAAAYAAJ&pg=P... http://www.gutenberg.net/etext/12342 http://nauplion.net/M2-MEHMED-ElFatih-1.html http://www.ottomanonline.net/sultans/7.html